16/4/10

Trình diễn ảnh chụp ở nhà Hàm Cá Mập, Bờ Hồ


Do các anh Hồ Nguyên, Hiếu Dân, Minh Phương thực hiện.












Bấm vào nút Play để xem tiếp trình chiếu dưới đây:

Hoặc xem trực tiếp trên web, bấm vào đây.
(Nếu không thấy ảnh chạy ở trên là do trình duyệt của bạn thiếu plug-ins.)

11/4/10

Gặp lại bạn cũ, nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân


Tranh thủ đợt làm việc ở Hà Nội, anh Huỳnh Dũng Nhân đã hẹn gặp gỡ với bạn cũ TTST BND. Thật tốt là được hẹn trước cả tuần nên hội bạn cũ nghe tin đến dự khá đông, phải tới hơn hai chục.

Nhiều người dù có việc vướng bận, vẫn tranh thủ ghé qua ít phút thăm hỏi bạn bè, chạm cốc vui vẻ rồi về trước, nên thường ảnh chụp chung không mấy khi có đủ mặt. Dưới đây, sau khi có vài người đã phải về trước, mọi người mới nghĩ cần phải chụp kỷ niệm tập thể. Trong ảnh, từ trái sang: Hùng, Hoàng, Nguyên, Lai, Minh Phương đứng sau Yến, Hạnh, Nhân, Hoàn bị lấp cằm, Ngọc Diệp, Oanh, Thanh Hà, Hoài Nam, Thúy, Hiếu Nam, Việt Phương, Khánh (còn vài người nữa cầm máy lăng xăng bên ngoài):

Kể cả mấy người bạn học cùng lớp anh Nhân xưa, có khi tới hơn ba, bốn mươi năm nay mới gặp lại. Thật vui. Nhân dịp này, chị Việt Phương (tay hòm chìa khóa cho hội) quyết định chiêu đãi một bữa "ra trò" ở nhà hàng Đức "Legend Beer" trên tầng 2 của tòa nhà nổi tiếng, vì vụ có kiến trúc giống như hàm cá mập ngay bên Bờ Hồ Hoàn Kiếm, mọi người vừa được ngắm cảnh đẹp hồ Gươm, lại vừa tiện đường.

(Đặng Nam, Khánh đứng đằng sau. Phía trước là 3 người bạn cùng lớp xưa - Hùng, Nhân và Hoài Nam)

Chắc hẳn là nhà báo với tay nghề có tiếng thì ai cũng biết, nhưng với thơ anh đã xuất bản rải rác xưa nay, lại đọc những bài thơ gần đây của anh đăng trên blog TTST BND và tiếp xúc trực tiếp với anh, bạn bè thấy Huỳnh Dũng Nhân là một tâm hồn, một người của thơ.

("Chân dung nhà thơ" bên các bạn)

(Chụp lưu niệm với anh Minh Chính)

(Bạn cùng lớp: Dũng Nhân, Hoài Nam)


(Không chỉ vì gặp Huỳnh Dũng Nhân, mọi người đều vui khi nhìn thấy nhau, đều tay bắt, mặt mừng... vai khoác vai. Trong ảnh: Yến và Vị Hoàng)

(Nhân và cô giáo Oanh)

(Hiếu Dân và Hồ Nguyên)

(Một khuôn mặt mới tinh của TTST BND, vừa được tìm ra để đưa vào danh sách là chị Ngọc Diệp con cô Mai Hân, chụp với các chị Yến và Việt Phương)

(Có lẽ dù ở đâu hay bất cứ lúc nào, cứ giao lưu hội TTST BND là rất vui!)

(Anh Kiều Tuấn, ở Sec về đã 6 tháng nay để chăm sóc cụ bà bị ốm, lòng nặng trĩu vì lo cho cụ và lại cả công việc bên nước ngoài bị bỏ dở dang, nhưng cũng tranh thủ đến với hội TTST một lúc)

(Đến lúc cần bấm máy - Thanh Hà, Ngọc Diệp)



(Chị Hạnh và Nhân)

Còn nhiều ảnh khác thú vị, xin mời xem ở đây, trên web album.
-

4/4/10

Em Mốc giờ ở đâu


Trong buổi hẹn hò gặp nhau ở nhà chị Việt Phương gần đây, chị Thúy đem trình làng một tấm ảnh quý ơi là quý :-)) bởi vì nó không chỉ là bức ảnh cũ chụp đám trại trẻ ở nhà thờ họ Phùng, xã Thống Nhất - Chương Mỹ, mà nó còn gắn với một kỷ niệm mãi mãi làm nao lòng các bé gái ở trại trẻ xưa, nay là các bà nội bà ngoại, hoặc ít ra cũng là các mẹ trên dưới ngũ tuần rồi.

Đó là kỷ niệm về một con búp bê tên là Mốc để chơi chung trong trại trẻ. Hồi chiến tranh gian khổ ấy mà có một con búp bê mới tinh, thơm nức mùi mang từ Cộng hòa Dân chủ Đức về thì ai cũng thèm, chứ đừng nói chỉ các bé gái. Hẳn ban đầu các bé vồ lấy nó, nâng niu, chuyền tay nhau bế nựng, sắp đồ hàng ... thì tên của nó là gì không nhớ, chắc chắn không phải cái tên "Mốc" nôm na, xấu xí. Hỏi ra mới biết vì chơi chuyền tay nhau liền bao nhiêu năm, sau nó loang lổ bẩn, lại còn bị thương tật khắp mình, từ vết xây sát, tay chân có khi rời ra lại lắp vào, ngay cả ngón tay cũng bị nám đen, nhưng các bé gái vẫn yêu quý nó và gọi tên là Mốc. Cho đến ngày nay cái tên đó đã ghi vào ký ức không thể quên.

Khi xem tấm ảnh này, ngoài việc thích thú đọc tên bạn bè trong ảnh, nhiều chị còn xuýt xoa ồ lên "Kìa con Mốc!"

Hoài Nam bế con Mốc ở trung tâm bức ảnh.
Ảnh được chụp ở nhà thờ họ Phùng, có lẽ vào năm 1967

Từ Ảnh cũ ở Thống Nhất
Trong ảnh, từ trái qua phải:
Hàng trước: Cường, Khánh, Phương Hà, Phương Liên, Thanh Tú, Khánh Như, Hoa Thiều;
Hàng giữa: Quang (em Thiều), Thanh Bình, Ninh Hà, Hoài Nam bế Mốc, Thúy Oanh, không rõ tên lấp sau Như, Hằng con cô Hảo, Lam Hồng;
Hàng 3: Ngọc (lấp sau Thanh Bình), Kiều Tuấn (lấp sau Ninh Hà), không biết là ai lấp sau Hoài Nam, tiếp đến đứng sau Oanh được đoán là Trần Tuấn, rồi đến Hạnh Phúc, Phương Mai và Bích Liên;
Cuối cùng, cắm mặt vào quyển sách có thể là Đặng Nam và Tuấn Phong (?)

Là em Mốc đấy!
Các chị xưa ở TTST BND vẫn còn nhớ như in búp bê Mốc được chú Tạ Ninh, khi đó báo Nhân Dân cử đi học ở Đức gửi về tặng cho các bé gái. Tình cảm yêu quý các cháu của chú được ghi nhận và biến thành lòng mãi mãi nhớ ơn chú của các cháu.

Trong buổi gặp mặt hôm 14/3/2010 tại hồ Thiền Quang, chú Tạ Ninh cũng được mời đến làm khách danh dự, sau khi nghe chuyện của các cháu về con Mốc đã không cầm nổi xúc động, chú không ngờ các cháu ngoan ngoãn, có lòng biết ơn chung thủy đến như vậy và chú dứt khoát xin TTST BND cho một bản sao bức ảnh chụp kỷ niệm ở nhà thờ họ Phùng này.

Các cô chú khách mời buổi gặp gỡ 14/3 đang xem ảnh cũ.
(Chú Tạ Ninh ngồi bên phải)

Chụp lưu niệm hôm 14/3 với chú Tạ Ninh ở hồ Thiền Quang

Xem pháo hoa ở Đà Nẵng


Nguyễn Hồ Nguyên

Thân gửi các bạn TTST Báo ND,

Đi công tác ở Tp HCM về Hà Nội, ghé qua Đà Nẵng thăm bà xã đang ở đó, đúng dịp Đà Nẵng tổ chức thi bắn pháo hoa quốc tế 2 tối 27 & 28 tháng 3. Hai vợ chồng rủ nhau đi xem cả hai tối luôn. Trước khi đi xem, hai vợ chồng may mắn được nhiều bà con, bạn bè và hàng xóm nhiệt tình chỉ bày cách đi xem pháo hoa ngoài trời. Chao ôi, đi xem pháo hoa mà vất vả chi rứa!

Cụ thể là:
1.Đi thật sớm. Phải đi từ 4 giờ chiều (9 giờ tối mới bắn pháo hoa), nếu đi trễ thì bị kẹt đường, nhiều khi có vé hẳn hoi mà không đi xem được hoặc có vào xem được thì chẳng có chỗ xem cho ra xem cả.
2.Trước đó chuẩn bị đồ ăn và nước uống. Đến nơi, yên vị chỗ ngồi, nên tranh thủ ăn uống ngay, phòng khi có “nỗi buồn” riêng cần giải quyết thì không phải vào lúc bắn pháo hoa.
3.Dân thường chúng mình chỉ mua vé xem ở khán đài B. Khán đài B này có ba khu vực: B1, B2 và B3, nhưng B1 là chỗ xem đắc địa nhất. Nếu lỡ mua vé B2 hay B3 thì nên đi sớm để vào khán đài B là có thể lẻn sang ngay B1 không bi xua đuổi về đúng vị trí của mình. Nhớ là vào khán đài rôi, cất ngay vé trong túi ngay, vi vé mỗi khu vực có màu sắc khác nhau, cầm trên tay dễ bị phát hiện đi nhầm chỗ và bị đuổi ngay liền.
4. Nên ngồi ở hàng giữa khán đài, xem sướng nhất , vì ngồi hàng trên cao bị gió nhiều, ngồi hàng thấp thì bị người ngồi trên hàng cao hay đi lên xuống, cứ đạp lên người mình mà đi, dễ bực mình.
5.Phải mặc áo đủ ấm, và mang theo áo mưa, vì gió thổi từ sông và cửa biển gần đó thổi mạnh và lạnh.
6.Gửi xe nên nhờ thuộc đường vì rất đông người. Riêng khán đài B có sức chứa 25,000 người rồi. Nếu không rành đường ra vào thì nên gửi xe ngoài đường lớn, chịu khó đi bộ vào.

Vân vân và vân vân…Nếu không có “tâm hồn” tức là „mơ theo pháo hoa và vơ vẩn cùng pháo hoa” thì tốt hơn hết nên ở nhà xem TV.

Quả là vất vả thật. Đêm đầu , trời trở lạnh. Đêm hôm sau thi mưa ngay từ chiều. Chắc nhiều bạn đã xem qua báo chí và internet biết nhiều người đi xem pháo hoa vất vả thế nào. Ngồi chịu lạnh và ướt át 4-5 giờ liền để rồi khi pháo hoa bắn lên hòa tấu cùng nhạc quả là không có cái thú nào bằng. Mọi vất vả cực nhọc chờ đợi dường như tan biến liền ngay từ loạt pháo hoa đầu tiên. Có đi xem thi bắn pháo hoa ngoài trời rồi, mới thấy mọi trò pháo hoa lâu nay mình xem vào dịp Tết hay lễ hội chỉ là trò chơi con trẻ mà thôi.

Dưới đây vài hình ảnh để giúp các bạn hình dung được phần nào cảnh đi xem thi bắn pháo hoa ở Đà nẵng như thế nào.

Thân ái
Nguyễn Hồ Nguyên

Ngày 27/3: Hai vợ chồng Nguyên cùng bạn bè đi xem
Từ Hồ Nguyên

Từ Hồ Nguyên

Ngày 28/3: Đội cả trời mưa đi xem
Từ Hồ Nguyên

Từ Hồ Nguyên
_______________________________________________
Có thể sử dụng tư liệu của chúng tôi nếu không dùng vào mục đích thương mại và ghi rõ nguồn: blog ttst bnd
Khi phát hành lại thông tin từ Blog này, hãy liên hệ với Quản trị:
vn.hanoi@gmail.com
(Trừ các tác giả, là người có toàn quyền với bài và ảnh của mình).
________________________________________
Trang chuyên hình ảnh (02/10/2007) là trang phụ của Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân