26/6/09

Thủy Tạ


Người Hà Nội ăn nói nhẹ nhàng dễ nghe, nhưng cũng lười uốn lưỡi vo môi, thành ra không phát âm "Thủy Tọa" (đúng gốc từ Hán Việt, nghĩa là ở trên mặt nước), mà cứ thích nói là "Thủy Tạ".

Để chứng minh cho ý kiến trên, hãy hỏi người Hà nội xem, hoặc thấy trên báo, đài người ta vẫn có các cụm từ như kem Thủy Tạ, cà phê Thủy Tạ, nhà hàng Thủy Tạ, Công ty Cổ phần Thủy Tạ v.v... thì biết.

Nói đến Thủy Tạ, ai cũng nghĩ ngay đó là cái nhà hàng nhô ra trên mặt hồ Hoàn Kiếm, ở góc Cột Đồng hồ ngày xưa (góc này nay không còn cái cột đồng hồ nữa, mà thay vào đấy là cái nhà hàm cá mập rất xấu xí, phản cảm, chắc chắn do Kiến trúc sư trưởng Thành phố duyệt cho thì mới được xây ở đấy).

Dưới đây là ảnh Thủy Tạ trên Hồ Gươm, nhìn từ đền Ngọc Sơn, ngày xưa không có các tòa nhà to cao ngất ngưởng đằng sau, Thủy Tạ trông đẹp đẽ, duyên dáng hơn rất nhiều, ít nhất là trong ký ức của chúng ta:



19/6/09

Văn Miếu Quốc Tử Giám


Văn Miếu, ở Hà Nội, được xây dựng từ năm 1070 (đời Lý Thánh Tông), có đắp tượng Chu Công, Khổng Tử và Tứ phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử), tranh tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế.



Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở đây, có thể coi đó là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Đời Trần Minh Tông, thầy Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và dạy trực tiếp các hoàng tử. Năm 1370 ông mất, được vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh đức Khổng Tử.


Ngày nay, Khuê Văn Các là một trong những biểu tượng của thành phố Hà Nội; Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách, đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc, nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng và là nơi hội hè, vẽ chữ nho mỗi dịp Tết. Đặc biệt, đây còn là nơi học sinh, sinh viên đến "cầu may" trước mỗi kỳ thi.


Tượng thờ Khổng Phu Tử


Một "cụ" rùa ngẩng cao đầu với tấm bia tiến sĩ trên lưng


Rùa trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám do nghệ nhân các thời xưa ở nhiều vùng khác nhau tạc ra, nên hình dáng rùa cũng muôn vẻ. Tất cả các "cụ" rùa bị xoa nhẵn đầu do các sỹ tử muốn cầu may. Nhưng không phải rùa nào cũng đều kiêu hãnh khi đội bia tiến sĩ ...


Có "cụ" rùa như đang trầm ngâm nghỉ dưỡng sức


"Cụ" rùa này thì trông thật chán, nằm dài cổ bẹp gí đầu xuống, không có vẻ gì là ganh đua, sĩ diện. Hiện tượng rùa không "sĩ" như thế này ở Văn Miếu không phải là ít, có lẽ cũng là một đề tài nghiên cứu chưa thấy thực hiện


Ngay cả hai "cụ" rùa làm đế cho đôi hạc chầu bằng đồng cũng sáng bóng đỉnh đầu do được xoa

Bên dưới là một số kiểu xoa đầu rùa cầu may cho thi cử, chụp hồi tháng 3/2009, chỉ đứng chơi đây 5 phút, đã thấy cả hàng chục lần rùa đá được sờ đầu:






12/6/09

Sân nhà trên con đường hùng vĩ


Đường Hồ Chí Minh là con đường hùng vĩ nhất đất nước, dài hơn 3000 Km, nối từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau). Ngay trong giai đoạn hiện nay, đoạn đã thi công nối từ Hòa Lạc (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) đến Bình Phước cũng đã dài hơn 2000 Km, mà nếu có dịp lái xe chạy trên đó, xe bon bon trên mặt đường bê tông nhựa còn mới, có lúc đường vắng không một bóng người và xe cộ, sẽ cảm nhận được sự thông thoáng, hùng vĩ của đường Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, cũng do chưa được đồng bộ với mạng lưới giao thông hiện tại, vắng xe và việc quản lý của các cơ quan chức năng còn lơi lỏng, nên con đường này lại đang tiềm ẩn những tai nạn nguy hiểm, nhất là khi nhiều lái xe thấy đường vắng nên phóng quá tốc độ cho phép, thậm chí chạy nhanh tới 120 - 130 Km/h.



Thỉnh thoảng lại gặp một tình huống rợn người, nếu không kịp phanh sẽ nát bét vì đâm thẳng vào xe ngược chiều đang lấn đường, do bà con nông dân đã chiếm mất phần mặt đường xe chạy để làm sân thu hoạch nhà mình



Nông dân khắp nơi đang vào vụ gặt (ảnh chụp tháng 5/2009), trên đường HCM, nơi nào có dân cư là nơi đó bà con chiếm gần hết mặt đường để đặt máy tuốt lúa, phơi thóc và rơm rạ




Lại giăng cả sào và bao thóc ra để bảo vệ sân nhà, xe cộ phải tránh




Tại những đường cong khuất tầm nhìn cũng thành sân phơi, đường biến thành cái bẫy với những lái xe chủ quan phóng nhanh, lấn đường

5/6/09

Mưa mù ở lòng hồ


Mưa mù ở lòng hồ, chỉ làm cho khách đi du lịch thêm hứng
- Từ Thung Nai 30-4-09

Kiều Thành và Lưu Bình chụp kỷ niệm trên bè - Từ Thung Nai 30-4-09

Hiếu Dân và Kiều Thành, trông như hai ông đang xuôi bè đi dự hội
(Cám ơn Lưu Bình đã bấm máy cho rất đẹp!)- Từ Thung Nai 30-4-09
_______________________________________________
Có thể sử dụng tư liệu của chúng tôi nếu không dùng vào mục đích thương mại và ghi rõ nguồn: blog ttst bnd
Khi phát hành lại thông tin từ Blog này, hãy liên hệ với Quản trị:
vn.hanoi@gmail.com
(Trừ các tác giả, là người có toàn quyền với bài và ảnh của mình).
________________________________________
Trang chuyên hình ảnh (02/10/2007) là trang phụ của Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân