23/2/08

Còn nữa, ảnh cuộc gặp đầu năm!

TTST BND: Hóa ra anh Hiệp còn ảnh chưa kịp gửi. Đây là 2 bức ảnh đẹp mà chúng tôi cho rằng chắc chắn các bạn rất muốn xem.


Xin sửa lời bình luận ở bài "Năm mới gặp người cũ" đăng ngày 20/02/2008 như sau: Để kịp thời chuyển ảnh cho các bạn xem thật nóng sốt, Phóng viên ảnh chưa kịp sửa hết các ảnh đã chụp để chuyển lên blog ngay.

Sau đây là 2 bức ảnh của gia đình được chụp trong cuộc gặp đầu xuân tại TP. HCM, xin giới thiệu với các bạn:

1. Cô chú Ngô Lê Dân

2. Cặp Đỗ Huy Bắc

Tiện thể, sau đây là một cặp khác, được TTST BND tách từ bức ảnh chụp chung trong kỳ đăng trước, mời các bạn đoán thử:


















Và một số ảnh nữa kèm theo chú thích của anh Hiệp:


Chú cháu họ đang hàn huyên gì mà gay cấn thế?



















Nhân viên phục vụ đang tính làm gì đây với cái đầu của Đỗ Huy Bắc?




















Nói gì thì nói, mình rất ấn tượng với hai cái đầu hói của Nhà Sưu tập Tranh nổi tiếng Sài Gòn Đỗ Huy Bắc và Giáo sư Toán học Lê Khánh Châu (CHLB Đức),
Không có tóc đâu phải vì không có tóc,
40 năm qua tóc rụng dần rồi.
Bồng bềnh đâu nữa tóc ơi,
Bồi hồi nhớ lại một thời trẻ thơ...

20/2/08

Năm mới gặp người cũ

Hôm nay ngày 14 tháng Giêng, chưa quá rằm, các bạn ở TP. HCM đã khích lệ toàn TTST BND bằng những lời chúc tốt đẹp, kèm theo bộ ảnh thể hiện một nhu cầu chung của chúng ta: nhìn lại người xưa, ôn chuyện cũ và ... đủ thứ chuyện khác!


Theo chúng tôi biết, sáng kiến gặp mặt đầu năm ở TP. HCM là của anh Ngọc.





Qua ảnh do các anh chụp, chúng ta được nhìn thấy nhiều cô, chú đáng kính trước đây làm việc ở Tòa soạn báo và nhiều bạn trại trẻ khác, có bạn đã bặt tin mấy mươi năm (theo lời bình của nhiều thành viên TTST ở Hà Nội!). Tiếc vì nhiều người không có mặt ở đây, trong cuộc gặp này!

Cám ơn anh Hà Huy Hiệp đã cẩn thận chú thích tên từng người trong bức ảnh đông người nhất (ảnh 1):

(Từ trái qua phải)
Hàng đầu: Lê Khánh Châu, chú Lưu Đức Hiệp (ba Lưu Đức Sơn), chú Ngô Lê Dân, Huỳnh Dũng Nhân, cô Mão (mẹ Nguyễn Văn Ngọc), cô Hoa Lý (mẹ Huỳnh Dũng Nhân), Hà Thị Thùy, Vũ Ninh Hà.
Hàng hai: Nguyễn Văn Ngọc, Đỗ Huy Bắc, Hà Huy Hiệp, Lê Thanh Bình.
Hàng cuối: Trần Minh.

Các bạn hãy tự đoán khi xem các ảnh còn lại nhé!

Thêm một chút thông tin để bạn bè khỏi nhầm lẫn do lâu ngày quá không gặp nhau: chị Ninh Hà có "ông xã" đi cùng và anh Ngọc có kèm bạn gái để giới thiệu trong buổi gặp.


Bình luận thêm: Chắc lúc ấy vui vẻ, quá bận rộn nên Phóng viên ảnh quên cả việc giới thiệu hình ảnh bà nội tướng và con (giai hoặc gái?) của anh Bắc!

Ghi chú: anh Lê Thanh Bình là anh của chị Lê Thu Hà (con chú Lê Bổng, tức Lê Bình, nguyên Phó TBT Báo ND).



2/2/08

Tuy Lai ngày nay

Năm 1965, TTST BND đã sơ tán trong vài tháng ở xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, sau đó, vì một chiếc máy bay của Mỹ bị dân quân bắn rơi tại chỗ mà Trại trẻ phải dời về xã Thống Nhất, Chương Mỹ - Hà Tây.

Ngày 17/8/2007, UBND tỉnh Hà Tây vừa có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án Làng Dưỡng sinh và Du lịch Sinh thái Tuy Lai (Mỹ Đức). Tổng diện tích quy hoạch dự án rộng khoảng 1.120,3 ha do Công ty Cổ phần An dưỡng Đường Việt Nam làm chủ đầu tư lập quy hoạch.

Với địa hình có núi, có đồi với độ dốc thoai thoải và 150 ha rừng tự nhiên, 250 ha mặt nước hồ Tuy Lai, nơi đây rất thuận lợi cho việc xây dựng khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Dự án được phân thành 6 khu chức năng chính bao gồm: Khu trung tâm có diện tích 67,8 ha bao gồm các ngọn đồi Lăn, đồi Cả, đồi Chùa và 11 ha mặt hồ, trong đó khu trung tâm chính nằm ở đồi Cả, trung tâm tiếp đón nằm ở đồi Lăn và khu văn hóa tâm linh Thiền Viện nằm ở đồi Chùa; hồ nước 11 ha được bố trí làm khu điều dưỡng khám chữa bệnh; Thứ 2 là khu biệt thự nghỉ dưỡng được bố trí ven hồ với diện tích khoảng 32,2 ha; Thứ 3 là khu biệt thự sinh hoạt văn hóa dân tộc có diện tích 57,2 ha, trong đó có chợ ẩm thực và trung tâm giới thiệu sản phẩm văn hoá làng nghề, công viên thể thao…
Ngoài ra, Làng Dưỡng sinh và Du lịch Sinh thái Tuy Lai còn có một khu điều dưỡng nhân đạo, làng nghề truyền thống và nghiên cứu sinh vật cảnh, diện tích 240,4 ha, trong đó có các khu nghỉ dưỡng nhân đạo dành cho các đối tượng chính sách, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa; Khu du lịch mạo hiểm diện tích 531 ha và 191,4 ha mặt hồ với những hòn đảo nhỏ giữa hồ tạo lên cảnh đẹp nên thơ cho du khách có thú đi thuyền và câu cá giải trí.
Hiện nay, Chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đang gấp rút triển khai để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Hồ Tuy Lai là một trong 3 hồ thủy lợi trong cụm hồ Quan Sơn. Ngày nay, trong khi dự án Làng Dưỡng sinh và Du lịch Sinh thái Tuy Lai, dự án Khu Du lịch Sinh thái hồ Quan Sơn (cũng là một dự án đã được phê duyệt) còn đang bắt đầu triển khai và kêu gọi thêm các nhà đầu tư, thì nơi đây thực tế đã trở thành điểm đến du lịch tự phát, được gọi chung là Khu Du lịch Quan Sơn, có thiên nhiên hoang dã sơn thủy hữu tình nổi tiếng (nếu tra cứu trên mạng, bạn sẽ thu được hàng trăm ngàn kết quả viết về Quan Sơn!).

Nhờ có cụm hồ Quan Sơn mà người dân ở đây cấy được 3 vụ lúa trong năm. Đến khoảng tháng 10 là hồ sẽ xả nước cho tưới tiêu, khoảng tháng 11 hồ cạn gần hết nước, và tất nhiên trong lúc này bạn chẳng có cơ hội ngắm sen hay bơi thuyền nữa.
Có một loại cây lạ trên hồ được gọi là cây Mặt Trăng, có lẽ vì lá nó tròn xoe nên được gọi như vậy, còn hoa nở ra thì trông hệt như con sao biển.
Trên hồ có một vài nóc nhà, cũng là điểm để du khách nghỉ chân cắm trại. Núi đá dựng đứng sừng sững hai bên hồ. Những cánh cò trắng bay miên man... Sau đây là một trong những kiểu du lịch được nhiều người chọn:

Qua cầu Đông, điểm đầu tiên du khách đặt chân tới là bến đò hồ Giang Nội. Giang Nội là một trong ba hồ lớn của Quan Sơn, rộng ước chừng 800 ha. Đứng trên bờ, du khách đã nhìn thấy những dãy núi đá trùng điệp của thiên nhiên soi mình dưới làn nước xanh mát của hồ. Ở đây có tới hai mươi ngọn lớn, nhỏ kéo dài ôm ấp các hồ nước ở Quan Sơn. Lại có nhiều hòn núi đá vách dựng đứng nằm ở lòng hồ lô nhô trông rất lạ mắt.
Thuyền sẽ lần lượt đưa du khách thăm hồ Quan Sơn và ghé thăm các ngọn núi với nhiều tên gọi khác nhau: núi Trâu Trắng, đảo Sư Tử, núi Quai Chèo, đồi Voi Phục. Đến núi Quai Chèo, du khách có thể leo núi hoặc vào rừng cây chơi.
Thuyền tiếp tục đưa du khách tới khu Đầm Sen, rồi vòng quanh đảo Sư Tử, núi Treo Tranh, thăm Động Linh Sơn, Động Ngọc Long. Mỗi động là một kỳ quan đặc biệt của tạo hóa với những mảng đá, nhũ đá mang hình long, lân, quy, phượng, hổ báo, chim muông. Vào mùa mưa, từ trên các triền núi cao, thác nước ngày đêm đổ xuống mặt hồ, tung bọt trắng xóa khiến cảnh sắc càng thêm ngoạn mục.
Vượt qua núi Đá Trượt, lên đập Tràn Ngái, bạn có thể thỏa sức hít thở bầu không khí trong lành và ngắm nhìn toàn cảnh khu du lịch Quan Sơn như Vịnh Hạ Long thu nhỏ, hoặc có người ví là Vịnh Hạ Long trên cạn của Hà Tây.
Khách có thể ghé thăm các làng mạc quanh hồ và đặc biệt vào tháng 10 dương lịch cho tới tháng 3 năm sau, du khách sẽ được ghé thăm thung lũng Voi, sân chim của Quan Sơn, với đủ các loài chim về đây trú ngụ xây tổ.
Quan Sơn còn có nhiều chùa. Chùa Linh Sơn nằm ngay ở chân núi Linh Sơn, soi bóng xuống hồ Giang Nội. Chùa được xây dựng theo kiến trúc chùa cổ thế kỷ XVII. Tương truyền chùa có từ thời nhà Mạc. Cạnh chùa là Động Linh Sơn. Động không lớn nhưng có nhiều nhũ đá rủ xuống lung linh huyền ảo.
Khách đến Quan Sơn, ngoài thú vui vãn cảnh còn có thể cắm trại trong rừng, đi câu cá, bơi thuyền, leo núi... và được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của vùng sông nước như ba ba, gỏi cá...

Đi thuyền sắt vượt qua những đầm sen thơm ngát, ghé vào một quả đồi nào đó, khách có thể vừa câu cá vừa lựa chọn thực đơn cho một bữa ăn nơi thiên nhiên hoang dã, với gỏi cá tươi nguyên cuốn lá cúc tần, thịt gà đồi hấp lá chanh xé nguyên con... Nếu liên hệ trước, bạn sẽ được thưởng thức món dê nướng. Vài chạc gỗ gác chéo, một bếp nướng được dựng lên, mùi thịt cháy mỡ thơm nức, không đũa bát cầu kỳ, mỗi thực khách một con dao nhỏ, trực tiếp xẻo thịt dê núi chính hiệu nhâm nhi với rượu nếp. Hiện nay, các dịch vụ du lịch ở đây vẫn chưa phát triển, khách vắng nên những buổi câu cá, ăn uống mang đậm nét hoang sơ, môi trường còn trong sạch...

Thực ra, những người ưa khám phá đã từng biết đến danh thắng chỉ cách chùa Hương hơn mười cây số này từ hơn chục năm trước. Nhưng khi đó, đến cả một nhà nghỉ bình dân ở đây cũng chưa có. Khoảng vài năm trở lại đây, huyện Mỹ Đức đã đầu tư nhiều hơn để phát triển du lịch khu sinh thái này. Hiện nay, đã có vài nhà nghỉ hiện đại mọc lên và trên dăm ba quả đồi đã có dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ cho du khách...
Tuy Lai xưa được lưu giữ trong kỷ niệm da diết buồn xa bố mẹ, vui háo hức vì thiên nhiên lạ lẫm của Trại trẻ sơ tán BND thủa thơ ấu, nay đang vươn mình thay da đổi thịt nhanh đến không ngờ!


Ảnh trong bài, từ trên xuống, lấy từ các nguồn:
Báo ảnh VN (ảnh 1, 2, 3); 4so9.com (ảnh 3, 4); dongtamxanh.com.vn (ảnh 5); timnhanh.com (ảnh 6); onlynick's Flickr Photos (ảnh 7, 8); ttvnol.com (ảnh 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15); icid.com.vn (ảnh 16, 17); tuylaivietnam.com: Mô hình phong cảnh quy hoạch hồ Tuy Lai (ảnh cuối).
_______________________________________________
Có thể sử dụng tư liệu của chúng tôi nếu không dùng vào mục đích thương mại và ghi rõ nguồn: blog ttst bnd
Khi phát hành lại thông tin từ Blog này, hãy liên hệ với Quản trị:
vn.hanoi@gmail.com
(Trừ các tác giả, là người có toàn quyền với bài và ảnh của mình).
________________________________________
Trang chuyên hình ảnh (02/10/2007) là trang phụ của Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân